Bao bì chè màu xanh dịu nhẹ

Bộ 5 loại chè Shan Tuyết đặc trưng vùng cao Việt Nam
Chè Shan Tuyết là loại chè có búp to màu trắng xám, dưới lá chè có phủ 1 lớp lông tơ mịn, trắng dầy, khi sao khô chúng biến đổi thành màu trắng như tuyết nên nó mới có tên gọi là chè “Tuyết”. 
“Shan” trong tiếng hán có nghĩa là Sơn tức là núi rừng. Ý muốn nói đây là loại chè đặc trưng của núi rừng. Những búp chè Shan Tuyết được bà con thu hái trên những cây chè cổ thụ (có tuổi đời trên 200 tuổi) thì được gọi là chè “Cổ thụ”.
Chè Shan Tuyết có mùi thơm dịu, nước vàng sánh màu mật ong. Chè được chế biến theo phương pháp thủ công của người dân tộc H’Mông, Dao.
Vân vê chén chè cổ thụ trong tay mà như cảm nhận được hơi lạnh của vùng cao, lại có lúc như trải nghiệm cái cảm giác ngồi bên bếp lửa chứng kiến những bàn tay nhanh nhẹn thoăn thoắt đảo trà. Vị chè ngon vì nó mộc mạc mà dân dã, vì nó thấm nhuần công sức của người chế biến thủ công và cả vì nó đượm vị của đất trời, của mây núi.. ​​​​
Công đoạn hái chè cổ thụ cũng vô cùng đặc biệt.
Không giống như cây chè dưới xuôi chỉ cao ngang người, chè cổ thụ cao tới hơn chục mét, muốn hái búp chè phải leo lên tận những cành cây cao.
 
Búp chè mới hái về được đổ ra cái nia nhỏ. Phải chọn kỹ lại những búp chè không bị sâu, không quá già rồi sau đó mới cho vào chiếc chảo gang lớn đặt trên bếp củi để sao. Củi dùng sao chè phải thật khô, cháy đượm. Nhất định phải là sao bằng tay, có như thế mới cảm nhận được độ nóng của lửa, độ mềm của búp chè non. Đợi đến khi cánh chè mềm tơi như sợi bún thì lại đổ ra nia và tiến hành vò chè, vò chè bằng tay thật khéo sao cho những búp chè săn lại bằng hạt đỗ thì lại tiếp tục sao. Cứ như thế cho đến khi cánh chè khô lại, day nhẹ thấy cánh trà giòn và xốp phủ phấn tuyết trắng, cuộn hương tinh khiết thanh cao của mây gió núi ngàn vào trong..
Ở vùng núi đá Tủa Chùa, khí hậu lạnh khắc nghiệt, mây phủ quanh năm đã tạo ra loại chè tuyết đặc sản thơm ngon. Người Mông còn gọi cây chè shan tuyết là “cây bất tử” bởi tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Nhưng mùa xuân đến, cây lại đâm chồi mơn mởn..
Nét đặc trưng nhất của bản Phìn Hồ là những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi. Được sự ưu ái của tự nhiên, khí hậu ở Phìn Hồ luôn mát mẻ, trong lành, bên cạnh đó lại có được nguồn nước dồi dào…nên cây chè sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh tốt. Lá chè ở đây được thu hái vào mùa xuân khi cây non đầy lộc phủ đầy những hạt sương và đất trời đang chuyển mình chào đón mùa xuân và lộc chè lúc này cũng tinh khiết và hương vị nồng nàn nhất ..
Người H’Mong không chỉ coi chè Shan Tuyết Cổ Thụ Tà Xùa đơn thuần là một loại thức uống mà đó còn là bài thuốc quý, giúp họ xua tan mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. Người sành chè thưởng thức chè cổ thụ đều phải thốt lên rằng hương vị của loại chè này rất lạ..
Cái lạ này không chỉ đến từ màu nước vàng sánh như mật ong, không chỉ đến từ hương thơm nguyên thủy của đất trời cây cỏ, đượm vị chát dịu của nắng, vị ngọt của mưa, vị ngọt ngào dễ uống mà còn có có thêm hương vị đặc biệt: Mùi ngai ngái của khói bếp, chẳng những đó là nét đặc trưng của trà cổ thụ mà còn gợi nhắc sự gần gũi, thân thuộc, đậm đà cái vị, cái tình của quê hương và công sức của người chế biến..
Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng là sản vật vô cùng quý giá của núi rừng Tây Bắc. Là loại trà thuần khiết tự nhiên, có hương vị thơm, ngon.
Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông. Mùa đông ở Suối Giàng thường chẳng thấy mặt trời. Còn buổi sáng mùa hè, búp chè ngậm sương, hái vẫn lạnh buốt tay..​​​​​​​
Đi dưới tán rừng ở xã Cao Bồ, người ta cảm thấy như lạc vào một thế giới khác. Thế giới xanh bát ngát, đậm hương vị thanh sạch, tươi mát của rừng chè..
Thưởng thức chén chè cổ thụ như nhấp trọn được cái không khí trong lành, dễ chịu của vùng cao Tây Bắc, lại vừa như cảm giác được hơi thở của nhịp sống đang thật gần. Chén chè ngon mà gần gũi, thân tình, như chính cái bụng của  bà con nơi đây thật thà mà chân chất..

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *